TP.Dĩ An (Bình Dương) hiện là địa phương có nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch từ đường bộ, đường sắt, đường thủy không chỉ kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn kết nối với cả nước và quốc tế.
Với vị trí địa lý quan trọng, giáp ranh với TP.Thủ Đức (TP.HCM) và TP.Biên Hòa (Đồng Nai), TP.Dĩ An đang đứng trước cơ hội nắm bắt các vị trí giao thông quan trọng kết nối vùng.
Vừa qua, cùng với việc khởi công xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM, đề xuất kéo dài tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên đến ga Sóng Thần (TP.Dĩ An), Bình Dương còn được Bộ GTVT bàn giao quốc lộ 1K cho địa phương quản lý, khai thác; đồng thời tuyến đường sắt liên vận quốc tế đã được khai thông với đoàn tàu liên vận quốc tế gồm 21 container (40 feet) chở hoa quả, nông sản, hải sản tươi sống… xuất phát từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc qua cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn).
Theo đánh giá của Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội (HARACO), việc thông quan hàng hóa tại ga Sóng Thần sẽ tạo đà cho việc xuất khẩu hàng hóa tại ga liên vận quốc tế Sóng Thần đi các nước trong khối OSZD (Tổ chức Đường sắt Quốc tế), đồng thời vận chuyển các nguồn hàng nhập khẩu từ các nước trong khối OSZD về khu vực phía Nam.
Tuyến giao thông trọng điểm quốc gia vành đai 3 TP.HCM
Đường vành đai 3 TP.HCM dài khoảng 76,34 km đi qua các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP.HCM là một trong những dự án quan trọng quốc gia với mục tiêu “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc” và “Kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển”.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, đây là dự án nhằm giảm thiểu quá tải hạ tầng giao thông cửa ngõ TP.HCM; Tăng khả năng kết nối đô thị vệ tinh, phát huy hiệu quả lợi thế các tỉnh, phát triển dịch vụ vận tải liên vùng; Mở rộng và phát triển đô thị; Giảm thiểu ô nhiễm môi trường; Giảm thời gian và chi phí đi lại, vận chuyển hàng hóa góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – là khu vực quan trọng, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước được Chính phủ xác định nắm giữ vai trò “đầu tàu”, dẫn dắt, phát triển bền vững của cả nước.
Dự án đã được Quốc hội khóa XV quyết định chủ trương đầu tư với sơ bộ tổng mức đầu tư là 75.378 tỉ đồng gồm vốn ngân sách trung ương là 38.741 tỉ đồng, vốn ngân sách các tỉnh, thành có tuyến đi qua là 36.637 tỉ đồng.
Trong đó, UBND tỉnh Bình Dương được giao là cơ quan chủ quản các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh với chiều dài 11,43km và sơ bộ tổng mức đầu tư là 19.280 tỉ đồng gồm 50% vốn ngân sách trung ương, 50% vốn ngân sách tỉnh Bình Dương.
Đường vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương bao gồm nút giao Tân Vạn (thuộc P.Bình Thắng, TP.Dĩ An), dài 2,393 km; sau đó đi trùng trên đường Mỹ Phước Tân Vạn dài 15,3 km (đã được Bình Dương xây dựng và đang hoạt động với quy mô 6 làn xe). Từ nút giao Bình Chuẩn (thuộc P.Bình Chuẩn, TP.Thuận An), đường Vành đai 3 TP.HCM tiếp tục hướng ra cầu Bình Gởi (bắc qua sông Sài Gòn, nối TP.Thuận An, Bình Dương với H.Củ Chi, TP.HCM) dài 8,9 km được xây dựng với thiết kế 8 làn xe, vận tốc cao nhất đạt 100 km/giờ.
Thêm đường kết nối TP.Dĩ An, TP.Thủ Đức
Vừa qua, tại buổi làm việc giữa TP.HCM và UBND tỉnh Bình Dương về kết nối hạ tầng giao thông, đại diện UBND TP.Thủ Đức và TP.Dĩ An đã đề xuất thêm vị trí kết nối giao thông giữa 2 địa phương và đã được chấp thuận.
Cụ thể, UBND TP.Thủ Đức và UBND TP.Dĩ An đã tổ chức các cuộc họp để cùng phân tích, trao đổi về định hướng phát triển kết nối giao thông giữa 2 thành phố. Sau các cuộc họp, các bên đã thống nhất, báo cáo, đề xuất đầu tư vị trí kết nối đường Đào Trinh Nhất (TP.Thủ Đức) và đường An Bình (TP.Dĩ An).
Theo đó, đoạn đường Đào Trinh Nhất phía TP.Thủ Đức có điểm đầu giao với đường Phạm Văn Đồng và điểm cuối giao với đường An Bình (TP.Dĩ An) sẽ được TP.Thủ Đức đầu tư xây dựng với chiều dài 0,3km.
Về phía TP.Dĩ An, đường An Bình có điểm đầu giao với đường Đào Trinh Nhất (TP.Thủ Đức), điểm cuối tại nút giao Sóng Thần (kết nối quốc lộ 1K, 1A…) với chiều dài 1,09km.
Về quy hoạch: đề xuất điều chỉnh quy hoạch đoạn đường Đào Trinh Nhất nêu trên theo lộ giới quy hoạch đường An Bình (TP.Dĩ An) từ 20m thành 34m để thuận lợi kết nối giữa 2 thành phố. Phần điều chỉnh mở rộng về phía Tây để hạn chế ảnh hưởng đến khu vực dân cư ổn định. Phía TP.Dĩ An, đầu tư xây dựng đường An Bình theo lộ giới quy hoạch từ 20m lên 34m.
Cùng với việc phát triển hạ tầng giao thông, vừa qua TP.Dĩ An đã được công nhận là đô thị loại 2, đồng thời cũng là thành phố có mật độ dân cư cao nhất Bình Dương và có các KCN được thành lập đầu tiên ở Bình Dương như, KCN: Sóng Thần 1-2; Bình Đường, Tân Đông Hiệp A, B.
>> Thông tin chi tiết dự án vui lòng liên hệ hotline: 0931737898
LIÊN HỆ NHẬN THÔNG TIN
Quý khách hàng vui lòng liên hệ HOTLINE 24/7: 0931 737 898 phòng thông tin dự án và tin tức thị trường hoặc cung cấp nội dung theo mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất. Chân thành cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm ạh